MOQ là gì? Những điều Doanh nghiệp cần biết về lượng đặt hàng tối thiểu (2024)
Trong quản lý chuỗi cung ứng, việc hiểu khái niệm về Lượng đặt hàng tối thiểu (MOQ) là rất quan trọng. MOQ là một thuật ngữ cơ bản có thể ảnh hưởng đáng kể đến quản lý hàng tồn kho, mối quan hệ với nhà cung cấp và hoạt động kinh doanh tổng thể của doanh nghiệp.
Trong hướng dẫn này, chúng ta sẽ tìm hiểu về MOQ, lý do tại sao các nhà cung cấp, phân phối hay nhà bán lẻ đều phải hiểu rõ và sử dụng MOQ, tác động của MOQ đối với hàng tồn kho, các loại MOQ, cách xác định MOQ và một số mẹo để tối ưu hóa MOQ.
1. Lượng đặt hàng tối thiểu (MOQ) là gì?
Lượng đặt hàng tối thiểu (MOQ – Minimum Order Quantity) là số lượng đặt hàng tối thiểu trong mỗi đơn đặt hàng từ nhà cung cấp. Các nhà cung cấp đặt ra MOQ để tránh lãng phí nguồn lực cho những đơn hàng mang lại cho họ ít hoặc không có lợi nhuận.
MOQ có thể được tính dựa trên số lượng đơn vị hoặc tổng giá trị đơn hàng. Đây là một ví dụ:
Bạn mua bút với giá 2.000 đồng mỗi chiếc. MOQ của nhà cung cấp cho bút là 1.000 chiếc. Điều này có nghĩa là bạn sẽ phải chi tối thiểu 2.000 x 1.000 = 2.000.000 đồng cho mỗi đơn hàng.
Các loại sản phẩm khác nhau sẽ có yêu cầu MOQ khác nhau; một mặt hàng có chi phí sản xuất cao thường có MOQ thấp hơn so với các sản phẩm dễ sản xuất và rẻ tiền.
2. Sự khác biệt giữa MOQ và EOQ
Trước khi chúng ta khám phá sâu hơn về khái niệm MOQ, ta cần phân biệt rõ khái niệm giữa MOQ (Số lượng đặt hàng tối thiểu) và EOQ (Số lượng đặt hàng kinh tế).
MOQ đại diện cho số lượng tối thiểu của sản phẩm hoặc đơn vị mà một nhà cung cấp sẵn sàng bán cho một người mua trong một đơn đặt hàng duy nhất. Ngược lại, EOQ là một công thức quản lý hàng tồn kho tính toán số lượng đặt hàng tối ưu để giảm thiểu tổng chi phí hàng tồn kho, bao gồm chi phí lưu trữ và chi phí đặt hàng.
Trong khi MOQ được ảnh hưởng bởi các hạn chế từ nhà cung cấp, EOQ lại được xác định dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp để đảm bảo cân bằng chi phí và đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách hiệu quả.
EOQ là quy mô đặt hàng lý tưởng giúp tối ưu hóa tổng chi phí lưu kho. Điều này bao gồm các khoản chi phí như chi phí đặt hàng, chi phí lưu kho và chi phí thiếu hụt. Bằng cách tính toán EOQ, bạn có thể xác định số lượng đặt hàng tối ưu về mặt chi phí, đồng thời cân bằng giữa việc đặt hàng quá nhiều, gây ra chi phí lưu kho cao, và việc đặt hàng quá ít, dẫn đến tình trạng thiếu hàng và có nguy cơ mất doanh thu.
3. Tại sao các nhà cung cấp sử dụng MOQ?
Bằng cách thiết lập MOQ, các nhà cung cấp có thể đảm bảo quy trình sản xuất của họ diễn ra hiệu quả và họ có thể cung cấp giá cạnh tranh cho người mua.
- Khi sử dụng MOQ, doanh nghiệp có thể đảm bảo rằng mỗi đơn hàng đều đủ để trang trải các chi phí sản xuất cố định như lao động, nguyên liệu và thiết lập máy móc, từ đó đảm bảo tính sinh lời của doanh nghiệp.
- MOQ giúp tối ưu hóa quá trình sản xuất bằng cách tạo ra lượng sản phẩm lớn và ổn định, từ đó giúp nhà cung cấp cải thiện hiệu suất sản xuất, giảm thiểu lãng phí và quản lý các tài nguyên một cách hiệu quả.
- MOQ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì khả năng tồn tại của doanh nghiệp. Nó đảm bảo rằng mọi đơn hàng đều góp phần tích cực vào lợi nhuận của nhà cung cấp, giúp mô hình kinh doanh của họ trở nên bền vững.
3.1. Tác động của MOQ đối với hàng tồn kho
MOQ sẽ ảnh hưởng đáng kể đến quản lý tồn kho của doanh nghiệp. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thời gian doanh nghiệp cần để giữ hàng, tần suất đặt hàng và việc sắp xếp không gian trong kho. Nếu bạn không thể đáp ứng được MOQ của nhà cung cấp, bạn có thể phải tìm những giải pháp khác hoặc trả một khoản phụ phí để mua ít hơn số lượng đặt hàng tối thiểu.
3.2. MOQ Cao
Nếu bạn phải làm việc với các nhà cung cấp có yêu cầu MOQ cao, điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ cần đặt hàng một lượng hàng tồn kho khá lớn, dẫn đến thời gian giao hàng dài hơn. Do số lượng đặt hàng lớn hơn, hàng tồn kho của bạn sẽ chiếm nhiều không gian hơn trong bất kỳ giải pháp lưu trữ hàng tồn kho nào bạn sử dụng, và cũng có thể cản trở vốn lưu động của bạn.
3.3. MOQ Thấp
Đặt hàng sản phẩm từ nhà cung cấp có MOQ thấp đồng nghĩa với việc bạn sẽ có ít hàng tồn kho hơn, nhưng — tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng — bạn có thể cần phải thường xuyên bổ sung hàng, điều này có thể làm tăng chi phí vận chuyển hoặc hành chính. Khi đặt hàng với số lượng hàng tồn kho nhỏ, cũng có nguy cơ không có đủ hàng trong kho. Trong những thời điểm nhu cầu cao và không thể dự đoán trước được, bạn có thể mất doanh thu.
3.4. Lợi ích của MOQ
Lợi ích cho các nhà cung cấp:
- Kiểm soát dòng tiền tốt hơn. Khi đặt MOQ, nhà cung cấp tính toán tổng chi phí tồn kho và tích hợp nó vào bất kỳ chi phí nào khác mà họ cần trả trước khi đạt được lợi nhuận mong muốn. Khi điều này được quản lý tốt, dòng tiền của họ sẽ ổn định hơn và dễ dự đoán hơn.
- Giảm chi phí tồn kho. Một số nhà cung cấp thậm chí không sản xuất hàng hóa cho đến khi người mua có thể đáp ứng MOQ của họ để thực hiện mua hàng. Điều này giúp loại bỏ hàng tồn kho khỏi kho của họ và giảm cả chi phí tồn kho và sản xuất.
- Tăng tỷ suất lợi nhuận. MOQ của nhà cung cấp thường được thiết lập theo cách đảm bảo tỷ suất lợi nhuận nhất định. Thông thường, họ sẽ chỉ đặt mua hàng mới khi doanh số bán hàng của họ đạt đến mức tạo ra lợi nhuận hoạt động.
Lợi ích cho người mua:
- Tiết kiệm chi phí lưu trữ kho. Khi tận dụng MOQ, người mua có cơ hội giảm chi phí lưu trữ hàng hóa. Sản phẩm được duy trì trong lượng nhỏ hơn, làm giảm chi phí lưu kho và quản lý, giúp tiết kiệm tài chính và không gian lưu trữ.
- Giảm rủi ro tồn kho thừa. Khi đặt số lượng hàng tồn kho hợp lý, người mua có thể tránh được tình trạng sản phẩm trở nên lỗi thời hoặc hỏng hóc do việc tồn kho quá lâu.
- Tính linh hoạt cao hơn trong quản lý hàng tồn kho. MOQ cũng mang lại sự linh hoạt trong quản lý hàng tồn kho. Người mua có khả năng điều chỉnh số lượng đặt hàng hoặc tần suất đặt hàng để đáp ứng nhu cầu thay đổi của họ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thích nghi với biến đổi thị trường hoặc nhu cầu của khách hàng.
4. Các loại MOQ
Nhà cung cấp sẽ đặt ra các ràng buộc kinh tế khác nhau đối với một đơn đặt hàng, và điều này thường phụ thuộc vào loại sản phẩm mà họ cung cấp, bao gồm máy móc, vật liệu, chi phí vận chuyển, chi phí kế toán và chi phí thanh toán.
MOQ có thể được áp dụng với một hoặc nhiều ràng buộc. Trong trường hợp đơn giản nhất, MOQ thường chỉ giới hạn dưới một khía cạnh, thường là một giá trị cụ thể hoặc số lượng đơn vị tối thiểu mà bạn phải đặt hàng.
Ngược lại, các MOQ phức tạp có thể đi kèm với nhiều ràng buộc khác nhau, có thể bao gồm các yếu tố như các chi phí đã được đề cập ở trên cùng với số lượng tối thiểu của các thành phần hoặc vật liệu.
4.1. MOQ Đơn giản
MOQ đơn giản rất dễ hiểu. Điều quan trọng là bạn cần thống nhất với nhà cung cấp về mức chi tiêu tối thiểu hoặc số lượng tối thiểu trước khi bạn có thể đặt hàng.
Một ví dụ cụ thể là khi bạn làm việc với một nhà cung cấp cung cấp sản phẩm được tùy chỉnh, việc thêm logo hoặc thiết kế riêng biệt vào cốc hoặc bút có thể đòi hỏi nhiều nguồn lực và công sức. Nhưng nếu số lượng mua hàng chỉ ở mức thấp, việc này có thể không hợp lý về mặt kinh tế.
4.2. MOQ Phức tạp
Khi bạn muốn mua hàng từ một nhà cung cấp có MOQ phức tạp, bạn sẽ phải tuân theo hai hoặc nhiều yêu cầu khác nhau. Điều này bao gồm việc đáp ứng số lượng đơn vị tối thiểu, giá trị đơn hàng tối thiểu và các yêu cầu có thể phức tạp hơn.
Ví dụ, nếu bạn đang tìm nguồn cung cấp vải cho dòng sản phẩm thời trang của mình, nhà cung cấp có thể yêu cầu MOQ được tính bằng thước hoặc mét vải cho mỗi màu sắc. Họ sẽ đặt ra một MOQ với các yêu cầu về chi tiêu tối thiểu, số lượng tối thiểu và kích thước tối thiểu của vải. Với vai trò của người mua, bạn sẽ cần tuân theo tất cả các điều kiện này để có thể đặt hàng.
4.3. Cách tính MOQ
Việc tính toán MOQ phù hợp cho doanh nghiệp của bạn có thể được xác định bằng một vài bước như sau:
Bước 1: Xác định nhu cầu: Nhu cầu sẽ thay đổi và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm loại sản phẩm, sự cạnh tranh và tính thời vụ của sản phẩm. Các nhà cung cấp cần xem xét dữ liệu đặt hàng trong lịch sử để dự báo nhu cầu và xác định số lượng hàng tồn kho cần thiết nhằm đáp ứng những biến động của thị trường.
Bước 2: Tính toán chi phí lưu trữ: Bạn cần đánh giá các chi phí liên quan đến việc lưu trữ tồn kho dư, bao gồm lưu trữ, bảo hiểm và khấu hao. Tùy thuộc vào sản phẩm được bán và yêu cầu lưu trữ của chúng, chi phí lưu trữ sản phẩm (còn được gọi là chi phí lưu kho) sẽ khác nhau. Ví dụ, việc làm lạnh sản phẩm sẽ phát sinh chi phí năng lượng; hoặc những đồ vật có hình dạng đặc thù có thể chiếm thêm không gian lưu kho.
Bước 3: Xác định điểm hoà vốn: Điểm hòa vốn xảy ra khi tổng doanh số bán sản phẩm (hoặc doanh số bán hàng của nhà cung cấp) bằng chi phí kinh doanh. Khi đề cập đến MOQ, các nhà cung cấp xác định số lượng sản phẩm cần bán trước khi họ có thể đạt được điểm hòa vốn và bắt đầu thực sự có lợi nhuận. Chi phí của họ thường bao gồm giá thành nguyên vật liệu hoặc vật tư, cùng với các yếu tố như chi phí lao động, chi phí lưu trữ, chi phí thu hút khách hàng và bất kỳ chi phí nào liên quan trực tiếp đến quá trình bán hàng.
Bước 4: Thiết lập số lượng đặt hàng tối thiểu: Sau khi các nhà cung cấp đã xác định nhu cầu, tính toán chi phí tồn kho và xác định điểm hòa vốn, họ sẽ thiết lập MOQ cho từng loại sản phẩm. Để thúc đẩy khách hàng mua số lượng lớn hơn, các nhà cung cấp đôi khi sẽ cần cung cấp các ưu đãi như giảm giá cho các đơn hàng lớn. Điều này có lợi cho quản lý hàng tồn kho của họ và giúp bạn có lợi nhuận tốt hơn.
5. Mẹo để tối ưu hóa MOQ
- Ngưỡng miễn phí vận chuyển cho khách hàng: Cung cấp dịch vụ vận chuyển miễn phí cho các đơn đặt hàng đáp ứng hoặc vượt qua MOQ, khuyến khích khách hàng mua sắm với số lượng lớn hơn.
- Tạo động lực để khách hàng chi nhiều hơn: Bạn có thể tiến hành các chương trình khách hàng thân thiết; giảm giá cho khách hàng đặt hàng vượt ngưỡng MOQ.
- Loại bỏ hàng tồn kho chậm bán: Hãy theo dõi cẩn thận sản phẩm nào bán chạy và sản phẩm nào lưu trữ lâu. Quản lý một số lượng ít hơn các loại sản phẩm sẽ dễ dàng hơn và tiết kiệm chi phí hơn nhiều. Doanh nghiệp có thể áp dụng các chương trình khuyến mãi để cố gắng thanh lý hàng tồn kho, và tìm các sản phẩm thay thế hoặc tìm nhà cung cấp có MOQ thấp hơn.
- Tự động hóa bằng công nghệ: Nền tảng ERP (Enterprise Resource Planning) và MRP (Material Requirements Planning) là hai công cụ quan trọng, tập trung vào việc tự động hóa các quy trình kinh doanh. Sử dụng tính năng phân tích của các nền tảng này giúp bạn dễ dàng quản lý quá trình mua sắm và theo dõi MOQ của các nhà cung cấp. Với sự cung cấp dữ liệu gần như thời gian thực từ phần mềm, bạn có khả năng điều chỉnh chiến lược mua hàng của mình một cách nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu hiện tại.